17h00 ngày 16/5 là thời hạn cuối cùng để các bạn thí sinh điều chỉnh và thay đổi việc đăng ký nguyện vọng trực tuyến theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các bạn thí sinh bên cạnh việc ôn thi cũng nên suy nghĩ và cân nhắc kỹ càng việc đăng ký nguyện vọng. Dưới đây là 5 lưu ý để giúp các bạn thí sinh chọn ngành phù hợp với bản thân!
Chọn ngành mà mình yêu thích, đam mê
Đây là điều quan trọng nhất khi lựa chọn ngành nghề! Kết thúc học THPT, dù có học Trung cấp, Cao đẳng hay Đại học thì đều là học nghề để có một công việc cho tương lai. Và học nghề hoàn toàn khác với quãng thời gian học văn hóa phổ thông.
Trong môi trường học nghề, các bạn sinh viên sẽ phải hoàn toàn tự giác trong việc học tập và nghiên cứu. Các giảng viên không thể nào quan tâm chi tiết tới từng sinh viên như khi học THPT được vì số lượng sinh viên một lớp có thể lên tới hàng trăm người! Sẽ không có ai theo dõi, thúc đẩy việc học nghề của bạn trừ chính bạn!
Chính vì thế, nếu không chọn đúng ngành mình yêu thích, bạn rất có thể sẽ cảm thấy chán chường trong việc học tập. Chưa kể tới những lúc gặp các môn khó, chỉ với số lượng môn học chung buồn tẻ trong những năm đầu tiên cũng có thể làm bạn mất đi sự hứng thú khi mới vào trường lúc ban đầu! Nếu bạn yêu thích ngành học đó, thì bạn luôn sẵn có một động lực để vượt qua mọi thử thách như vậy trong quá trình học!
Muốn chọn ngành đúng với bản thân thì trước tiên học sinh cần phải hiểu rõ về chính mình. Mỗi một ngành nghề trong xã hội này đều có những yêu cầu đặc thù về năng khiếu cũng như năng lực khác nhau để thành công. Nghề nghiệp lý tưởng chính là sự giao thoa giữa thứ mình thích; điều mình có khả năng, và quan trọng nhất, thứ xã hội cần.
Có rất nhiều câu hỏi mà các bạn thí sinh sẽ thấy rất quen thuộc: Em học ngành này ra có việc làm không? Cơ hội việc làm ngành này như thế nào? Trường có bảo đảm em tốt nghiệp xong sẽ có việc làm hay không? Em sợ ra trường làm trái ngành quá. Lương ngành này cao không?…
Thế nhưng, các bạn thí sinh nên hiểu rằng: Không có trường nào, ngành nào có thể bảo đảm cho em có việc làm 100% nếu em không đủ năng lực, không có kỹ năng và thái độ làm việc tốt. Chỉ khi có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng thì mới chắc chắn tìm được công việc ưng ý! Đây cũng đang là xu hướng tuyển dụng trong nhiều năm trở lại đây của các doanh nghiệp: Kỹ năng là yếu tố quyết định ứng viên có được vị trí công việc chứ không phải là bằng cấp!
=> Có thể bạn quan tâm: 7 bước chọn ngành nghề phù hợp với bản thân!
Chọn ngành trước, chọn trường sau
GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay các thí sinh còn có cơ hội 3 lần điều chỉnh sau khi biết kết quả thi THPT. Vì vậy, việc chọn ngay từ bây giờ quá nhiều nguyện vọng là thừa thãi, và cũng không làm tăng cơ hội trúng tuyển vào những ngành, trường mà thí sinh yêu thích.
“Các thí sinh cần tìm hiểu kỹ về các trường đại học và những ngành nghề mình yêu thích, xét học lực của bản thân, nghiên cứu điểm trúng tuyển của các năm trước. Đó là những thông số quan trọng để lựa chọn trường và đăng ký nguyện vọng. Nguyên tắc là: Trước chọn ngành, sau chọn trường”, GS Đức đưa lời khuyên.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, đăng ký 1 ngành khoảng 3 nguyện vọng và một trường khoảng 3 ngành: “Ngành phù hợp với năng lực của mình đặt ở mức trung bình, còn phải đăng ký ở mức cao hơn để phấn đấu và cả mức thấp hơn để an toàn”.
Các bạn thí sinh không nên chọn trường trước rồi chọn ngành chỉ vì trường đó mình thích hay nghe theo lời của ai đó rồi chọn một ngành bất kỳ của trường đó. Làm như vậy là hoàn toàn sai!
Các bạn thí sinh hãy nhớ: Các doanh nghiệp sẽ dựa vào kỹ năng tay nghề của ngành bạn học có tốt hay không để nhận bạn làm việc chứ không phải là tên trường bạn học!
=> Có thể bạn quan tâm: Học Trung cấp có bằng cấp 3 không?
Không cần thiết đăng ký quá nhiều nguyện vọng
Năm 2021, các bạn thí sinh đăng ký nguyện vọng trực tuyến có thể đăng ký số lượng nguyện vọng thoải mái. Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, thí sinh nhiều nhất đăng ký tới 99 nguyện vọng.
Tuy nhiên, trên thực tế, các thí sinh thường chỉ quan tâm 5 nguyện vọng đầu. Các nguyện vọng sau dù có trúng tuyển thì khả năng cao cũng không theo học. Vì thế, việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng như vậy là thừa thãi, không cần thiết và mất thời gian.
Sắp xếp nguyện vọng hợp lý
Nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất. Trúng tuyển nguyện vọng 1 thí sinh sẽ không được xét các nguyện vọng sau. Việc được đăng ký nhiều nguyện vọng đồng nghĩa với tăng cơ hội trúng tuyển, nhưng nếu không sắp xếp hợp lý sẽ dễ bị rối, đặc biệt là chọn sai trường, sai nghề.
Thí sinh nên để 2 nguyện vọng đầu là các ngành, các trường có điểm chuẩn nhỉnh hơn năng lực của mình 1 chút, 3 nguyện vọng tiếp theo là các ngành, các trường phù hợp năng lực và nên có khoảng 2-3 ngành điểm chuẩn mọi năm thấp hơn năng lực để tăng cơ hội vào ĐH. Nhưng thí sinh nên lưu ý điều thật sự cần thiết là trước khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần hiểu được mình muốn làm nghề gì và muốn được phát triển trong môi trường như thế nào.
Khi đã hiểu điều mình mong muốn, thí sinh sẽ lựa chọn nhóm ngành và nhóm trường phù hợp với mong muốn của mình, trong đó đảm bảo có các trường ở nhóm điểm cao và nhóm điểm thấp hơn, và sắp xếp lại theo mức độ yêu thích của mình.
Không nên ỷ lại vào việc điều chỉnh nguyện vọng
Năm nay khác với mọi năm ở việc thí sinh được phép điều chỉnh trực tuyến 3 lần trong khoảng thời gian cho phép. Trong khi năm ngoái chỉ cần một cú nhấp chuột xác thực là thí sinh sẽ không được phép chỉnh sửa thêm nữa.
Tuy nhiên, học sinh không nên ỷ lại vào việc được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần. Bởi khi chỉ cho phép điều chỉnh 1 lần tức là thí sinh cân nhắc thật kỹ càng rồi mới quyết định, điều chỉnh là chốt. Nhưng khi có 3 lần lại khiến thí sinh dễ phân vân, suy nghĩ không chín chắn dẫn đến có thể lựa chọn lần 3 lại là lựa chọn xấu nhất. Tuy nhiên, chọn 1, 2, 3 lần hay nhiều lần đi chăng nữa thì nếu không biết cách chọn lựa, bị phân tán tư tưởng thì cũng sẽ không có được lựa chọn tốt nhất.
Nguồn: Tuyển sinh số