Chọn ngành nghề phù hợp với bản thân như thế nào? Mùa thi tới gần cũng là lúc câu hỏi này lại khiến các bạn học sinh băn khoăn suy nghĩ. Nền kinh tế phát triển, hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội việc làm và các ngành nghề mới. Chọn đúng ngành nghề sẽ giúp các bạn có động lực vượt qua mọi khó khăn trên con đường học tập để theo đuổi đam mê và có một tương lai rộng mở!
Để chọn ngành nghề phù hợp, các bạn học sinh cần cân nhắc giữa các yếu tố như: niềm đam mê của bản thân; nhu cầu nhân lực của thị trường với ngành nghề; năng khiếu, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân; khả năng tài chính; mong muốn của gia đình… Tuy vậy, các bạn cần biết phải ưu tiên những yếu tố nào trước để có một sự lựa chọn tốt nhất! Dưới đây là hướng dẫn giúp các bạn học sinh từng bước tìm được ngành nghề phù hợp với mình!
7 bước chọn ngành nghề phù hợp với bản thân
Đầu tiên, các bạn học sinh hãy nhớ rằng thành công trong công việc tương lai sau này phần lớn phụ thuộc vào quyết định chọn ngành nghề hôm nay. Học nghề là một quá trình hoàn toàn khác biệt so với việc học văn hóa phổ thông cho dù bạn học Đại học, Cao đẳng hay học Trung cấp. Nó đòi hỏi ý thức tự giác cao trong việc học tập và nghiên cứu của các bạn!
Bước 1: Dành thời gian để chọn ngành nghề phù hợp
Chọn ngành nghề là việc hết sức quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp từ học văn hóa phổ thông lên học nghề. Vì vậy, dẫu có bận bịu với việc ôn luyện thi thế nào đi chăng nữa, các bạn học sinh vẫn nên dành thời gian nhất định để suy nghĩ về nghề nghiệp tương lai của mình! Đây là điều tốt để tạo hướng đi cho học sinh THCS và THPT!
Tại sao dành thời gian suy nghĩ lại là bước đầu tiên trong lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân? Nếu bạn không dành thời gian hoặc dành ít thời gian để suy nghĩ về vấn đề này, bạn sẽ rất dễ chọn sai ngành nghề.
Nếu làm sai khi chọn ngành nghề phù hợp thì hậu quả thế nào? Hãy lấy một ví dụ đơn giản và gần gũi với các bạn học sinh: Trong tất cả những môn học Toán, Văn, Sử, Lý… chắc chắn ai cũng có một vài môn mình không thích. Vậy khi đến tiết học môn mình không thích, các bạn sẽ không có hứng thú học, sẽ làm việc riêng, buôn chuyện… Các bạn sẽ không muốn chuẩn bị bài, làm bài tập, học và làm bài kiểm tra chỉ để đối phó. Vì thế, bạn sẽ không tiếp thu kiến thức của môn đó và có thể điểm học tập không cao. Bạn có thể chấp nhận điểm kém vì học phổ thông bạn có các môn khác để gỡ và bù lại điểm phẩy của những môn đó.
Nhưng, chọn sai ngành nghề thì không dễ dàng để gỡ như vậy. Học ngành mình không thích, bạn sẽ cảm thấy nhàm chán, không có hứng thú và nhanh chóng mất đi động lực học tập trong một môi trường học đề cao ý thức tự giác! Điều này dẫn tới lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức… và có thể để lại hậu quả tiêu cực như thất nghiệp!
Vì thế, hãy dành thời gian cho việc chọn lựa ngành nghề nhé!
Bước 2: Xóa bỏ những điều sai lầm khi chọn ngành nghề
Trong thời kỳ hội nhập, nền kinh tế phát triển, các nhà tuyển dụng đánh giá cao ứng viên có kỹ năng tay nghề tốt chứ không phải bằng cấp. Các bạn học sinh cần loại bỏ những suy nghĩ cũ mà nay KHÔNG CÒN PHÙ HỢP như: Chỉ có học đại học mới thành công; Có bằng đại học sẽ dễ dàng xin việc; Chọn ngành nghề theo phong trào, theo sự rủ rê của người khác; Chọn đại một trường để học nghề mà không tìm hiểu kỹ…
Bước 3: Chọn ngành nghề phù hợp với bản thân
Bây giờ mới tới bước tìm hiểu và chọn ngành nghề phù hợp với bản thân. Như đã nói, một ngành nghề bạn đam mê sẽ giúp bạn có động lực để tìm tòi nghiên cứu và học tập dễ dàng hơn! Hãy bắt đầu từ sở thích cá nhân, năng khiếu, tính cách! Hãy lập một danh sách các ngành nghề mà bạn thấy phù hợp với mình! Mạnh dạn liệt kê trước và qua tìm hiểu các bạn sẽ từng bước loại bỏ những ngành nghề không phù hợp.
Các bạn học sinh hãy tận dụng các hoạt động, sự kiện liên quan tới nghề nghiệp để khám phá năng lực, năng khiếu, sở thích của mình với nghề nghiệp. Các bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của thầy cô, gia đình và bạn bè để biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình và chọn nghề phù hợp.
Thời điểm sát mùa thi cũng là lúc mà các hội thảo, sự kiện định hướng nghề diễn ra nhiều. Các bạn nên tham gia để có cái nhìn thực tế và đối thoại trực tiếp. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể tìm hiểu thông tin qua mạng Internet.
Bước 4: Cần tìm hiểu những thông tin gì về nghề nghiệp?
- Tên nghề nghiệp và những công việc có thể làm trong nghề đó: chẳng hạn ngành Công nghệ thông tin có rất nhiều vị trí công việc khác nhau: thiết kế web, thiết kế đồ họa, lập trình viên…
- Nhu cầu nhân lực của thị trường hay cơ hội nghề nghiệp: các bạn cần tìm hiểu nhu cầu nhân lực của nghề trong 4-5 năm tới. Hãy nhớ rằng, chọn nghề xong, bạn sẽ mất từ 3-5 năm để học nghề. Vì vậy không nên chọn những nghề mang tính thời vụ, phải chọn nghề có tiềm năng phát triển lâu dài!
- Phẩm chất và kỹ năng cần thiết cho từng công việc của ngành nghề.
- Yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với ứng viên cho từng công việc.
- Nơi đào tạo ngành nghề uy tín từ hệ Trung cấp tới Đại học: mỗi hệ đào tạo đều có ưu điểm riêng. Trong thời kỳ kỹ năng tay nghề được đặt lên hàng đầu chứ không phải bằng cấp, các bạn học sinh cần chọn trường có uy tín, đào tạo tay nghề tốt chứ đừng chọn trường đại khái. Một trường Trung cấp có uy tín, chất lượng sẽ tốt hơn nhiều so với một trường Đại học không có tiếng trong đào tạo ngành nghề đó.
- Thời gian đào tạo và hình thức đào tạo: hệ Trung cấp có thời gian đào tạo ngắn hơn nhiều so với học Đại học. Học sinh Tốt nghiệp THCS sẽ cần 3 năm để hoàn thành chương trình Trung cấp và chương trình THPT. Trong khi nếu học Đại học, các bạn sẽ mất 3 năm để học hết THPT và thêm 4-5 năm nữa để hoàn thành chương trình Đại học.
>>> Xem thêm chương trình học Trung cấp có thêm bằng THPT Quốc gia (Chương trình 9+)
Bước 5: Xác định mục tiêu nghề nghiệp
Khi đã chọn ngành nghề phù hợp cho bản thân, bạn cần xác định mục tiêu cụ thể muốn đạt được trong nghề đó. Có mục tiêu, bạn sẽ có một kế hoạch rõ ràng để thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đó. Hãy đặt mục tiêu cho từng quá trình trên con đường tiến tới nghề nghiệp của bạn: lúc học ở trường, lúc thực tập, lúc bắt đầu đi làm…
Bước 6: Xác định năng lực học tập
Để làm điều này, các bạn có thể dựa vào điểm học tập tại trường, kết quả làm các bài thi thử để tự xác định khả năng học tập của bản thân. Hoặc tham khảo nhận xét, đánh giá của thầy, cô và gia đình. Xác định được năng lực học, bạn sẽ chọn được nghề và chọn được trường đào tạo phù hợp.
Bước 7: Tìm hiểu cách thức đăng ký và nhập học
Đây là bước cuối cùng, tại bước này các bạn chắc đã chọn ngành nghề phù hợp cho mình. Các bạn chỉ cần lên website của các trường mà mình chọn để xem thông tin hoặc gọi điện tới số liên lạc của trường để được tư vấn.
Hy vọng với 7 bước hướng dẫn phía trên, các bạn học sinh THCS và THPT có thể tìm ra con đường của mình, chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, tìm thấy cho mình niềm đam mê nghề nghiệp và mục tiêu phấn đấu cho tương lai! Trong thời đại này, học trường nào, bằng cấp gì không quan trọng, điều cần nhất mà nhà tuyển dụng muốn thấy ở bạn là kỹ năng tay nghề vững vàng! Vì thế hãy vững tin với lựa chọn của chính mình! Chúc các bạn thành công!